Hình thành Dinh_Trấn_Biên_(Phú_Yên)

Năm 1471, Lê Thánh Tông đem đại quân chinh phạt Chiêm Thành, hạ được thành Đồ Bàn và bắt được vua Chiêm Trà Toàn. Sau khi toàn thắng, vua Lê chia Chiêm Thành thành 3 tiểu quốc Nam Bàn (nay là vùng Tây Nguyên), Hoa Anh (nay là tỉnh Khánh Hòa), Chiêm Thành (nay thuộc Ninh Thuận, Bình Thuận), lấy núi Đá Bia làm mốc ranh giới Đại Việt với Chiêm Thành. Phần đất chiếm được, vua Lê cho lập đạo Quảng Nam gồm ba phủ: Thăng Hoa (sau là tỉnh Quảng Nam), Tư Nghĩa (sau là tỉnh Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn (sau là Quy Nhơn), còn phần đất từ đèo Cù Mông xuống tới đèo Cả thì còn để cho lưu dân tự do, chưa đặt hành chính cai trị.

Năm 1578, Trấn thủ Thuận Quảng Nguyễn Hoàng bèn sai Lương Văn Chánh "chiêu tập dân Chiêm khai khẩn đất hoang ở Cù Mông, Bà Đài (Xuân Đài), cho dân di cư đến đấy. Lại mộ dân khai hoang ở trên dưới sông Đà Diễn, chia lập thôn ấp, ngày dân đông đúc"[1], đặt nền móng khai khẩn vùng đất mới.

Năm 1611, quân Chiêm Thành đánh phá vùng đất mới. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng sai chủ sự Văn Phong đem quân đi đánh dẹp, cho lập thành phủ Phú Yên thuộc trấn Quảng Nam, lập 2 huyện Đồng Xuân, Tuy Hòa thuộc phủ Phú Yên. Tuy nhiên, đến năm 1629, Văn Phong liên minh với Chiêm Thành âm mưu cát cứ ở Phú Yên, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên sai Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh[2] đi đánh dẹp. Sau khi cuộc nổi loạn bị dẹp tan, chúa Sãi cho lập dinh Trấn Biên và cho Quận mã Nguyễn Phúc Vinh làm Trấn thủ dinh Trấn Biên[3]

Các tài liệu lịch sử chép sự kiện này như sau:

"…Văn Phong ở Phú Yên dùng quân Chiêm Thành để làm phản. Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh đi đánh dẹp yên và lập dinh Trấn biên (khi mới mở mang, những nơi đầu địa giới đều gọi là trấn biên. Vì có công ấy, đặc biệt cho dùng ấn son…"
— Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 4, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội 1962, tr.56.
"… Năm Kỷ Tỵ thứ 16 đời Hi Tông (Lê Long Đức thứ 1-1629) Văn Phong cấu kết với Chiêm thành làm phản, sai phó tướng Nguyễn Phúc Vinh dẹp được, lập dinh Trấn biên…"
— Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, quyển 5, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997. tr.7